Bạn Thực Sự Được Cứu? (Phần #1 trong loạt bài về ‘Những Hiểu đúng về Nếp sống Tin Kinh)

 


Để tôi hỏi bạn một câu hỏi sẽ khiến bạn hơi ‘hoang mang’ sẽ khiến bạn ‘lo lắng’. Nên hãy ‘Nghiêm túc’ về nếp sống của mình hơn là chỉ ‘Tò mò’ về một lối sống.

“TÔI PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐƯỢC CỨU?”

Nếu bạn tự tin về ‘luật lệ’, ‘bảng danh mục tiêu chuẩn được xếp hạng’ của mình thì cũng nên nghĩ lại với câu hỏi ở trên. Bạn thực sự ‘ĐƯỢC CỨU?’ chưa? Vì một thanh niên giàu có trước mặt Chúa đã ‘huyênh hoang’ vì tiêu chuẩn của mình và rồi cũng ‘buồn bã bỏ đi’ khi Ngài nói đến ‘tiêu chuẩn’ của Ngài. (Mác 10:17-22, VIE2010)

Nếu bạn là người đủ “Nghiêm túc” về cuộc sống của mình chứ không chỉ ‘tò mò’ về một ‘cách sống’, vì chỉ sống 1 lần, thì ‘tò mò’ đó cũng ngốn đi của bạn hết một đời mà có lẽ vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho mình. Nên hãy thực sự đủ trân trọng để nhìn thấy ‘cuộc sống’ là một ưu tiên đáng để mình ‘tìm kiếm’.

“TÔI PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐƯỢC CỨU?”

Câu hỏi này tôi dành cho những người đang Tin rằng mình là một Người Tin Chúa, một Cơ Đốc Nhân hay bất cứ một định nghĩa nào mà các bạn đặt cho nhau. Cho dù trình độ hiểu biết, cấp bậc hay vị trí xã hội của bạn ở đâu trong mắt người… thì thử đặt câu hỏi rằng, ‘Tôi là ai trong mắt Chúa’, vì điều này quan trọng hơn việc bạn đang tin rằng ‘Chúa là ai trong mắt bạn’.

'Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng với họ rằng: ‘Hỡi những kẻ làm ác, hãy lui ra khỏi Ta, Ta chẳng hề biết các ngươi bao giờ!’” ' (Ma-thi-ơ 7:23, VIE2010)

Hãy chú ý vào việc, Chúa ‘biết’ mình quan trọng hơn là việc bạn ‘Biết’ Chúa bao nhiêu, hãy đọc các câu trước để thấy được sự tự tin rằng một người không chỉ tự tin nói rằng mình ‘Biết’ mà còn ‘Hành động nhân danh Chúa’ thì không có ý nghĩa gì trước sự Phủ nhận của Ngài rằng, ‘Ta đang biết con’

Vậy điều gì khiến Chúa đang biết mình, đầu tiên hãy nói về Chữ ‘Biết’ trong Từ điển của Ngài, và không nên nói quá nhiều về định nghĩa của các nhà Thần học, giảng luận hay bất cứ con người nào. Vì cái ‘Biết’ đó sẽ không cứu được bạn.

Biết / ginóskó: Một Hiểu biết qua Trải nghiệm cá nhân một cách trực tiếp[1] và điều này khác biệt với định nghĩa như là một hoạt động của trí tuệ. Cách hiểu này mang dấu ấn rất rõ của triết học Hy Lạp, một nền triết học đã có ảnh hưởng rất sâu đậm trên nền văn minh của nhân loại hiện nay. Theo hướng định nghĩa này, từ ngữ Hy Lạp ginoskein (biết) có nghĩa đen rất đơn giản là: Nhìn vào một đối tượng nghiên cứu nào đó một cách “trí tuệ” và một cách “khách quan.”” [2]

Trong Cựu Ước, động từ Hê-bơ-rơ yada được dùng để mô tả hành động “biết.” Nhưng đối với người Do-thái, yada diễn tả một hành động “biết” bằng trái tim hay tấm lòng hơn là bằng trí óc. Sự nhận thức trong thế giới Cựu Ước không phải là kết quả của việc “đứng ở một khoảng cách và nhìn một cách khách quan để rồi thu lượm một số thông tin về một đối tượng hay một sự việc nào đó” (cách hiểu dưới ảnh hưởng của triết học Hy Lạp) nhưng là kết quả của một quá trình tham dự tích cực và có chủ đích vào một sự kiện, một hoàn cảnh, hay một kinh nghiệm. Cần chú ý rằng trong kho từ vựng của tiếng Hê-bơ-rơ, không có chữ nào có ý nghĩa tương đương một cách chính xác với những chữ trí óc (mind) hay trí tuệ (intellect) của ngôn ngữ chúng ta hiện nay. [3]

Chúa có đang biết chúng ta một cách Cá nhân giữa Chúa với mình, đôi khi chúng ta tự tin về mình thấy mình ‘thân mật’ với Chúa, nhưng nếu tôi hỏi Chúa hôm nay, liệu Ngài có nói rằng, Ngài cũng nói cùng một điều như bạn rằng ‘Ta cũng biết con một cách thân mật’ như con biết Ta thân mật như vậy.

Mối quan hệ một chiều, sự tự tin một chiều, những phát biểu, tuyên bố một chiều hay những giảng dạy một chiều đang khiến chúng ta rơi vào một ‘ảo tưởng’ chết người, và nếu không nhanh chóng ‘tỉnh mộng’, thì chắc bạn biết được kết quả là gì.

Vậy điều đầu tiên tôi muốn bạn biết rằng, Nếp sống của bạn không được xác định bởi Cách bạn nghĩ hay cảm nhận về nó, nhưng chính mình được ‘Xác nhận’ bởi chính Ngài thì đó mới là lời đáng tin cậy,

Hãy nhớ lại lá thư của Chúa gửi cho Hội thánh Lao-đi-xê, 'Con nói: ‘Tôi giàu, tôi đã phát đạt rồi, tôi không cần gì nữa.’ Nhưng con không biết rằng mình đang cùng khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ. ' ,(Khải Huyền 3:17, VIE2010) hãy để ý đến lời Chúa kết luận về Nếp sống của bạn, không phải từ chính miệng bạn đâu, hay từ bất cứ con người nào đang đặt cho bạn một cái tên ‘tốt’ hay là ‘xấu’.

NHƯNG CHÍNH CHÚA SẼ ‘KẾT LUẬN’ NẾP SỐNG CỦA BẠN BẰNG CHÍNH ‘ĐỊNH NGHĨA’ CỦA NGÀI.

Và cũng hãy nhớ trong 7 bức thư Chúa gửi, “Người nào thắng…” là điều mà tôi và các bạn cần chạy đến, nếu có ‘Thắng’ thì sẽ có ‘Thua’, nên nếp sống của một người Tin Kính không phải là một cuộc đi dạo bình an và vui vẻ, như một số lời kêu gọi, hô hào cho một lối sống, lấy đó làm sự ‘hấp dẫn’ để cho người khác cảm thấy thú vị và đi theo, mà quên mất rằng:

'Vì vương quốc Đức Chúa Trời không phải là chuyện ăn uống, nhưng là sự công chính, bình an, vui mừng trong Đức Thánh Linh. ' (Rô-ma 14:17, VIE2010)

Khi chúng ta không có sự ‘Công Chính’ của Đức Chúa Trời, sẽ chẳng có Bình An và Vui Mừng đâu, mà Bình An và Vui Mừng là trái quả Đức Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22, VIE2010), nên điều này lại là điều mà bạn sẽ không bao giờ có được vì điều ấy không thuộc về bạn. Đức Thánh Linh không có ở bạn, ở ‘cộng đồng’ bạn đang sống thì chắc chắn bạn sẽ ‘Thua’ trong cuộc chiến này.

Hãy để tôi kết thúc tạm phần đầu tiên ở đây, bằng câu hỏi khiến bạn suy ngẫm lại về nếp sống của mình:

'ông [Phao-lô] hỏi họ: “Từ khi tin, anh em đã nhận lãnh Đức Thánh Linh chưa?” Họ trả lời: “Chúng tôi chưa từng nghe nói có Đức Thánh Linh nào cả.” ' (Công vụ 19:2, VIE2010)

Câu hỏi không phải là “Tin vào Đức Thánh Linh’, ‘Biết về Đức Thánh Linh’, ‘Nghiên cứu về Đức Thánh Linh’, ‘Giảng dạy về Đức Thánh Linh’ nhưng “NHẬN LÃNH ĐỨC THÁNH LINH CHƯA”. Và câu hỏi không dành cho người ngoại, nhưng cho người Tin Chúa.

'Ông [Phao-lô] lại hỏi: “Vậy anh em đã nhận báp-têm nào?” Họ đáp: “Báp-têm của Giăng.” Phao-lô nói: “Giăng đã làm báp-têm về sự ăn năn tội, bảo dân chúng phải tin Đấng sẽ đến sau mình, nghĩa là tin Đức Chúa Jêsus.” Nghe vậy, họ nhận báp-têm nhân danh Chúa là Đức Chúa Jêsus. ' (Công vụ 19:3-5, VIE2010)

Một cách hiểu không đầy đủ ở đây, chúng ta có khi tự tin về Báp-tem, và cảm thấy yên tâm vì người chia sẽ Thánh Kinh cho bạn trích dẫn câu giảng 'Phi-e-rơ trả lời: “Hãy ăn năn, mỗi người phải nhân danh Đức Chúa Jêsus nhận báp-têm để được tha tội mình, rồi sẽ nhận lãnh quà tặng là Đức Thánh Linh. ' (Công vụ 2:38, VIE2010)

‘rồi sẽ nhận lãnh quà tặng là Đức Thánh Linh’ không có nghĩa là bạn đã được nhận rồi, nhận ngay sau khi Báp-tem, và chính sai lầm này khiến cho chúng ta một “Ảo tưởng giả tạo’ rằng chúng ta Đã được cứu. Nếu Thánh Linh được nhận lãnh ngay sau đó, tại sao lại có nhóm người được cũng được Báp-tem mà không hề có Thánh Linh, cho đến khi Phao-lô đến với họ.

và bằng chứng trong Công vụ rằng: 'Nhưng khi họ đã tin Phi-líp, người rao giảng Tin Lành về vương quốc Đức Chúa Trời và danh Đức Chúa Jêsus Christ cho họ, thì cả nam lẫn nữ đều nhận báp-têm. ' (Công vụ 8:12, VIE2010) và những người Tin Chúa ấy, cũng không hề có Thánh Linh dù đã làm đủ ‘Thủ tục’

'Các sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem nghe tin dân chúng Sa-ma-ri đã tiếp nhận đạo Đức Chúa Trời liền sai Phi-e-rơ và Giăng đến với họ. Hai ông đến nơi, cầu nguyện cho những người nầy để họ nhận lãnh Đức Thánh Linh. Vì Đức Thánh Linh chưa giáng xuống trên ai cả, họ chỉ nhân danh Chúa là Đức Chúa Jêsus nhận báp-têm mà thôi. Phi-e-rơ và Giăng đặt tay trên họ, họ liền nhận lãnh Đức Thánh Linh. ' (Công vụ 8:14-17, VIE2010)

Chúng ta trích dẫn một câu Thánh Kinh, rồi giảng dạy và truyền giáo chỉ trên một đoạn Thánh Kinh đó mà không soi chiếu dưới toàn bộ Kinh thánh, dẫn đến những cách giảng và hiểu sai nghiêm trọng về Lời Chúa. Thánh Linh đã không hiện hữu ở đây, và chúng ta cần Ngài để hoàn thành 4 bước [4] để được Cứu theo tinh thần của Thánh Kinh.

Chúng ta đã thiếu một điều quan trọng hơn hết thảy, cho dù các bước kia đã được thực hiện đầy đủ:

“'Nhưng nếu Thánh Linh của Đức Chúa Trời thật sự ở trong anh em thì anh em không sống theo xác thịt, mà sống theo Thánh Linh; còn ai không có Thánh Linh của Đấng Christ thì người ấy chẳng thuộc về Ngài. ' (Rô-ma 8:9, VIE2010)

Bạn đã nghiêm túc hơn chưa? vì Thánh Linh nếu không ở trong Chúng ta, thì khởi đầu hay hành trình của tôi, của bạn trở nên vô nghĩa.

(Hết phần #1)


 (Hãy theo dõi trên akoḗ hoặc MEDIATING ON SCRIPTURE để được cập nhật các học hỏi, và chia sẽ rộng rãi nếu bạn thấy điều này là ích lợi)


Nếu ai có tai để nghe, hãy nghe!” (Mác 4:23, VIE2010)


**********
"...họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không." (Công vụ 17: 11, VIE2010)
Bạn hãy đảm bảo rằng bạn luôn đọc Kinh thánh của mình trước, dành thời gian để kiểm chứng dưới ánh sáng của Chân Lý, khi đọc tất cả những bài viết tại đây.

**********



[1] Strong’s Concordance, “1097. Ginóskó [ to Come to Know, Recognize, Perceive/ Biết],” Bible Hub: Search, Read, Study the Bible in Many Languages, n.d., accessed May 22, 2024, https://biblehub.com/greek/1097.htm. (Lưu ý: Phần tiếng Việt do người viết nghiên cứu này)

[2] Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam, Cơ Đốc Giáo Dục: Các nền tảng cho thế kỷ 21 (California: Union University of California, 2007), 16.

[3] Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam, Cơ đốc giáo dục, 16–17.

[4] David Pawson, Born Again, mp3, vol. 1, 6 vols., The Normal Christian Birth, 1989, accessed May 15, 2024, https://www.davidpawson.org/resources/series/the-normal-christian-birth. (Lưu ý: Phần tiếng Việt do người viết nghiên cứu này)

Comments