Giải Nghĩa Kinh Thánh_Sự Nguy Hiểm Của Trích Dẫn Ngoài Văn Cảnh

"ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy khiến những đá nầy thành bánh đi." (Ma-thi-ơ 4:3, VIE2010) - Chúng ta đầy tư tin rằng, ở trong Ngài, và có được quyền làm con của Ngài, chúng ta cũng có những quyền năng nào đó, như có thể khiến đá để trở thành bánh, quyền năng của Chúa hiện hữu trong mỗi chúng ta, sinh động và đầy vinh quang..."

 

Nếu một người Chưa tin Chúa, họ sẽ nghĩ như thế nào khi đọc đoạn giải nghĩa này...

Một người tin Chúa, họ sẽ nghĩ xa hơi, lầm lạc hơn với hướng giải nghĩa này...

Tôi từng biết có người bạn, nói rằng mình biết Đức Chúa Trời, một khoảng thời gian bằng số tuổi, có lẽ đã gần 50, nhưng khi trích dẫn một đoạn Thánh Kinh để chia sẽ với nhau thì hoàn toàn không biết có đoạn này trong Thánh Kinh. Vậy khi tôi giải nghĩa như theo cách trên, thì tôi đã làm hại đi hai người, một là chính mình, hai là chính người bạn của mình. Đoạn Thánh Kinh trên là lời của Ma quỷ đang cám dỗ Chúa, và khi ở trong một sự giải nghĩa với "trích dẫn" do không hiểu biết của người giảng giải, hoặc thực sự có chủ đích đằng sau sự giảng dạy, hoặc làm "nhấn mạnh" theo dòng chảy của bài giảng bởi ý muốn của người giảng, hay bởi chủ đề được "đặt hàng", hay bởi "nhu cầu" của người nghe yêu thích, không phải là điều thực sự Kinh thánh đang đề cập tới, điều này dẫn đến sự nguy hiểm của một nếp sống.

Một ví dụ khác, 

“Loài người có ích gì cho Đức Chúa Trời không?

Ngay người khôn ngoan cũng chỉ có ích cho chính mình.
Đấng Toàn Năng có vui không khi anh sống công chính?
Ngài được lợi gì nếu anh sống trọn lành? (Gióp 22:2-3, VIE2010)

Nếu chỉ soi vào ngôn từ, ngữ nghĩa, và có lẽ nguy hiểm hơn là "ý muốn của người truyền thông điệp", thì cứ rà hết một lượt cách sách, tìm thấy các câu từ gần mới điều mình muốn nhất hay điều được "đặt hàng" để chia sẽ, không mấy bận tâm đó có thực là điều mà Đức Chúa Trời nói, thêm bớt các gia vị để cho lời chia sẽ thật hấp dẫn với người nghe, và tệ hơn là sau đó "mượn uy quyền" của Thánh Kinh để cho rằng đó là điều mà Chúa phán bảo, hãy vâng lời. Bạn nghĩ sao về trích dẫn trên, người bạn của Gióp, Ê-li-pha khẳng định trong Gióp 22 (VIE2010) về cuộc sống công chính, có vẻ như một triết lý khiêm tốn của con người trước mặt Chúa hay sự vô nghĩa của lối sống công chính... dù có đang giải nghĩa theo hướng nào, chủ đề gì, trước khi quyết định mình sẽ có một trích dẫn đúng theo ý muốn của Ngài, vui lòng đọc hết sách Gióp, và sẽ thấy trong chương cuối Đức Chúa Trời của chúng ta đã phán dạy cho cả hai, nhưng đối với lời lẽ của những người bạn Gióp thì đây là kết luận của Ngài:

“Ta nổi giận với con và hai bạn con vì các con không nói đúng đắn về Ta như Gióp, đầy tớ Ta, đã nói. (Gióp 42: 7, VIE2010)

Hãy cẩn trọng với người nói, kẻo đây chính là nguồn gốc cơn giận của Ngài, chỉ vì trích dẫn theo "sở thích" của mình.
Hãy cẩn trọng là người nghe, kiểm chứng mọi lời giảng như một thói quen tuyệt vời của những người ở Bê-rê, họ xét cả lời giảng của chính Phao-lô có đúng không. (Công vụ 17: 11, VIE2010)

 

Không phải chỉ ở trong đời sống Tâm linh, mà việc 'Trích Dẫn Ngoài Văn Cảnh' còn là  một vấn đề xã hội tạo nên các hiểu nhầm có chủ đích, các câu chuyện, tựa đề được cắt đúng 'vị trí cần thiết' người đưa muốn trích dẫn hoặc cho người nghe muốn nghe, người ta cũng "có chủ đích" khi đưa các trích dẫn này tùy theo mục đích muốn nhắm tới, mà tác giả của một bài báo trên báo tuổi trẻ cuối tuần có đề cập khi nói đến một vấn đề tương tự, "Trích ngoài văn cảnh thường có mục tiêu đầu tiên là “câu view” vì đây là nội dung có thể gây tranh cãi, có thể lôi cuốn người ta vào đọc." [1]

Nguyên tắc trích dẫn cũng cần được học, được hiểu cho cả người nghe và người dạy, như những phần giải thích rất giá trị mà tôi muốn trích dẫn ra đây từ tạp chí Ngôn ngữ mà tôi có tham khảo, là điều thực sự phải rất nghiêm túc trong quá trình Giải nghĩa, chuyển ngữ, hay dịch nghĩa chứ không phải là công việc tùy tiện, huống hồ chúng ta đang xây dựng nền tảng tâm linh cho chính mình qua Lời Thánh Kinh, sự "sống" "chết" Tâm linh đủ quan trọng để việc học hỏi lời Thánh Kinh lại trở nên nghiêm túc trong sự Kính sợ Chúa.


Như vậy về mặt trích dẫn văn bản, "Bên cạnh các nét nghĩa ngôn ngữ, từ còn có một giá trị. Giá trị này là kết quả của sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các đơn vị từ vựng trong hệ thống ngôn ngữ...tất cả các từ đều có thể có một hay nhiều nét nghĩa ngôn ngữ, và mọi phát ngôn đều mang một ý nghĩa ngôn bản [Nghĩa theo cảm quan đang thể hiện]. Tuy nhiên để có một giá trị giao tiếp thực sự, một phát ngôn phải được thực hiện trong một ngôn cảnh [Bối cảnh] nhất định và được hiện thực hoá trong một hành động lời nói nhất định để chỉ một hiện thực khách quan. Nét nghĩa ngôn ngữ của từ được quy định sẵn trong ngôn ngữ, còn ý nghĩa ngôn bản của từ thì luôn được hình thành từ sự kết hợp giữa các nét nghĩa ngôn ngữ với các yếu tố phi ngôn ngữ. Nói cách khác, các nét nghĩa ngôn ngữ của từ và việc phân tích câu ngoài ngôn cảnh thuộc về phạm trù ngôn ngữ, còn ý nghĩa ngôn bản của từ và việc phân tích các phát ngôn thuộc về địa hạt của phân tích ngôn bản. Như vậy, muốn xem xét ý nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ, người ta cần đặt nó trong mối quan hệ với các yếu tố ngôn ngữ khác cùng có mặt trong ngôn bản.[2] 

Chẳng hạn, ở ngoài ngôn cảnh và ngữ cảnh thì từ mẹ và cụm từ mẹ mày dễ khiến người ta nghĩ đến nhiều giá trị khác nhau. Nhưng khi những từ hay cụm từ này được đặt vào ngữ cảnh của nó thì dường như tính đa nghĩa của chúng đã giảm đi một cách đáng kể. Tuy nhiên, ngay cả câu Vân ơi, mẹ mày về thì cũng vẫn mập mờ vì nó có thể là một lời cảnh báo hoặc một lời báo tin vui cho người có tên là Vân. Chỉ khi nào người tiếp nhận phát ngôn này gắn nó vào một tình huống ngôn cảnh cụ thể thì lúc đó toàn bộ nội dung ngữ nghĩa của phát ngôn mới được hiện thực hóa một cách trọn vẹn. Khi đó, chúng ta sẽ biết phát ngôn trên có tác dụng báo tin vui hay là một lời cảnh báo cho người tiếp nhận thông điệp.[3]

 

...có những dịch giả không chuyên đã không xác định được nghĩa giao tiếp của ngôn bản mà chỉ hiểu được nghĩa ngôn ngữ (signification) của ngôn bản, tức là nghĩa của câu chữ ngoài ngôn bản. Đối với những dịch giả này, nghĩa của thông điệp là kết quả của tập hợp từ nghĩa ngôn ngữ của các đơn vị ngôn ngữ có trong văn bản cần dịch. Thế nhưng, ngày nay, mọi người đều biết là các từ ngữ đứng riêng biệt chỉ có nghĩa ngôn ngữ, tức các nghĩa tiềm năng hay còn gọi là nghĩa ảo, các câu đứng tách khỏi ngữ cảnh cũng chỉ có những nghĩa ảo; còn nghĩa mà văn bản chuyển tải thì chưa hẳn đã là những nghĩa ngôn ngữ này. Vả lại, theo lí thuyết dịch nghĩa ngôn bản, nghĩa của lời, cái mà thông điệp chuyển tải, không nằm một cách bí hiểm trong mỗi từ, mỗi câu. Đúng là nghĩa của ngôn bản bắt nguồn từ nghĩa ngôn ngữ nhưng nó không chỉ bị gói gọn trong nghĩa ngôn ngữ của các đơn vị ngôn ngữ mà mở rộng ra toàn bộ văn bản, dịch giả sẽ dần dần hiểu được ý đồ của tác giả qua quá trình tiếp cận với toàn bộ văn bản. Mặt khác, lí thuyết này cũng cho chúng ta thấy rằng nghĩa ngôn bản (sens) luôn là sự kết hợp của hai phần: một phần nghĩa gắn với câu chữ và thêm vào đó là phần liên quan đến vốn kiến thức nền. Thực vậy, trước khi đưa ra một thông điệp, tác giả đã phải tính đến tình huống giao tiếp, đến việc người tiếp nhận thông điệp có cùng vốn kiến thức nền với mình hay không.[4]

 

Chắc cũng không cần nói thêm về tính nghiêm túc trong việc giảng và học lời Chúa, nhưng trước hết là Lòng Kính Sợ Ngài, thì mới có một sự “khởi đầu cho sự Khôn ngoan”[5] thực sự. Tôi van nài đến các bạn, hãy bắt đầu với quyển Thánh Kinh của bạn và kết thúc cũng qua quyển sách này, vì sự sống còn Tâm linh đều ở trong đó, không phải bởi môi miệng của con người, như lời người cô đáng kính của tôi đã luôn dặn dò tôi rằng, “Hãy phản biện tất cả các sách [lời giảng, bài viết…] của con người, chỉ duy nhất vâng phục mà không cần thắc mắc là Lời Thánh Kinh mà thôi”. [Tất nhiên tôi đang trích dẫn lời cô trong bối cảnh của sự học hỏi, phản biện là một phần của quá trình này, không phải sự “tranh cãi” về thần học hay tôn giáo, nếu không chúng ta lại vướng mắc vào danh sách những điều “vô ích”[6] theo định nghĩa của Ngài.].

Nếu ai có tai để nghe, hãy nghe!” (Mác 4:23, VIE2010)


**********
"...họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không." (Công vụ 17: 11, VIE2010)
Bạn hãy đảm bảo rằng bạn luôn đọc Kinh thánh của mình trước, dành thời gian để kiểm chứng dưới ánh sáng của Chân Lý, khi đọc tất cả những bài viết tại đây.

**********


Chú giải:

[1] "Méo mó vì bị trích ngoài văn cảnh", Tuổi Trẻ Cuối Tuần, truy cập ngày 24.02.2024, https://cuoituan.tuoitre.vn/meo-mo-vi-bi-trich-ngoai-van-canh-1465484.htm

[2] Đinh Hồng Vân, "Dịch Ngôn Ngữ và Dịch Ngôn Bản", Tạp Chí Ngôn Ngữ, số 10 (2012), 34

[3] Đinh Hồng Vân, 34

[4] Đinh Hồng Vân, 35

[5] Châm Ngôn 9:10, VIE2010

[6] Tít 3:9, VIE2010

Comments