Nếp sống Tốt Lành - Ý Chí dựa vào Nguyên tắc hay Ân Điển

 


Nếp Sống Tốt Lành, tôi tán thành việc sẽ gọi theo cách đúng hơn: Nếp Sống Tin Kín.

Đeo đuổi nếp sống có "tiêu chuẩn" rồi trở nên Tự Công Chính, vì mình đã và đang làm được những việc tốt lành. Sự nhấn mạnh vào
- Việc tốt lành là gì?
- Cách thực hiện Việc tốt này như thế nào?
- Làm bao nhiêu Việc tốt là sẽ ổn?
- Cần bắt buộc làm Việc tốt để trông ổn hơn!
- Cần triển khai "Nguyên tắc" và "Lễ Nghi" để ràng buộc việc thực thi Việc tốt, để giám sát Việc tốt cần phải xảy ra.
Những người sống dưới Nguyên tắc và Lễ Nghi sẽ được "Chu cấp" các nhu cầu cần cho mình, sẽ được có "Vị trí" trong hệ thống, sẽ được cho là có "Nhân Cách" tốt.
Những người tạo ra Nguyên tắc và Lễ Nghi sẽ được "Chu cấp" bởi những người dưới Nguyên tắc và Lễ nghi đó, sẽ duy trì và bảo vệ được "Vị trí" của mình trong tổ chức, sẽ phán xét hay phân loại "Nhân Cách" của người khác.
Chúng ta dễ quên mất đi khải tượng Tốt Lành mà Đức Chúa Trời dành cho mình, lại đi lập một hệ thống (ít nhất là cho chính mình và là của riêng mình) để khẳng định Hình ảnh của bản thân trước mắt Ngài, trong mắt nhiều người.

"Trong quá trình tìm hiểu chúng ta là ai-để khám phá cảm nhận bản sắc của chúng ta, cảm nhận về vị trí của chúng ta-nhưng trong tiến trình đó lại phát sinh những thói quen nội tâm của sự vị kỷ và nói thẳng ra là kiêu ngạo"
...Người ta có thể nỗ lực tối đa dùng ý chí mà hoàn thành mục tiêu, nhưng nỗ lực đó cũng dẫn đưa đến sự thất bại. (*)
Tôi nỗ lực để yêu bạn, ý chí mạnh mẽ của tôi nói rằng tôi "phải làm cho bằng được" tôi đang yêu bạn, cho dù bạn có "đáng ghét" trong mắt tôi, hay hoàn cảnh của tôi đang vô cùng bất tiện trong trường hợp này để tôi có thể yêu bạn.
Với Ý chí này trong một số người có thể đã chiến thắng, vậy là tôi đã hoàn thành được Nguyên tắc của mình để cảm nhận được một cảm giác có Ý Nghĩa về Đạo Đức và Nhân Cách tốt của mình. (Tôi đang bỏ qua những động lực của ham muốn ích kỷ và kiêu ngạo khi yêu)
Và câu hỏi tiếp theo là:
-Mình có thể làm điều này được bao nhiêu lần?
-Mình có thể làm điều này được với bao nhiêu kiểu người hay tất cả mọi người?
-Mình có thể làm điều này trong một vài hoàn cảnh (có thể có chọn lựa) hay sẽ trong tất cả các hoàn cảnh?
Tôi cho rằng, dù mình có thể trả lời các câu hỏi này một cách hoàn hảo là: Ý chí của tôi luôn luôn chọn làm được nhiều lần, với tất cả mọi người và với bất cứ hoàn cảnh nào, thì bên trong bạn... liệu Ân Điển của Chúa có phải là Nếp sống của mình không?
Khi bị cuốn hút vào việc thực hiện một nỗ lực, để tạo nên một Nếp sống trọn vẹn (không bỏ sót một điều nào) trong Nguyên tắc và Lễ Nghi, với cái Ý nghĩa tự tạo nên (khi thực hiện các điều trên), tự cảm nhận hay là cái Ý Nghĩa do người khác "phong tặng" khi họ ngưỡng mộ mình, thì mình đã đánh mất một điều quan trọng nhất, là Ân Phúc qua Đức Tin.
Chúng ta "giằng co", phản biện với Ngài rằng, con có thể tạo nên một Nếp Sống tốt lành bởi chính Ý Chí của mình, phương tiện hiệu quả nhất là Nguyên tắc và Lễ Nghi, với phương pháp "Tự Nhận Thức", "Tự Khai Sáng" bản thân.
Chúng ta tự hào với Ngài rằng "Tôi đã tuân giữ mọi điều đó từ thuở niên thiếu" (Mác 10:20, VIE2010)
Nhưng Chúa đòi hỏi rằng:
“Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi, bán những gì mình có và phân phát cho người nghèo thì ngươi sẽ có kho báu ở trên trời; rồi hãy đến theo Ta.” (Ma-thi-ơ 19:21 VIE2010‬‬)
Chúng ta dễ có niềm tin vào Chúa, nhưng liệu mình có Đức tin vào Ngài không, khi Ngài nói "hãy bán những gì mình có". Tôi không chắc rằng mình làm được điều này mà không thắc mắc, "rồi con sống bằng cách nào", "ai lo cho cha mẹ, vợ con?"... và những câu hỏi tương tự. Những hô hào sống có Đức tin trên các bục giảng, trong các thảo luận... rồi khi về với căn phòng của minh, nhìn thấy những hóa đơn, nghĩa vụ... liệu mình có dám "bán hết" không?
Chúc mừng một ai đó đã dám làm, nhưng liệu mình sẽ làm gì với số tiền bán được: "Phân phát cho người nghèo"? Đoạn Thánh Kinh này chỉ là một Ẩn dụ về việc là một người Tin Chúa và đi theo Ngài thôi, chứ thực sự ý Chúa không phải là vậy đâu... Tôi đã gặp rất nhiều người Giải nghĩa Kinh thánh theo hướng này, vì rồi mục đích cũng chỉ đang quan tâm đến "tài sản" của mình (chả lẽ nên bán hết chăng?). Chính xác Thánh kinh mô tả rất đơn giản, "Phân phát cho người nghèo", và có lẽ mình vẫn thắc mắc "cho hết thì lấy gì mà sống", "thời buổi kinh tế khó khăn, phải tiết kiệm"... một vòng luẩn quẩn của những Định giá Ý Nghĩa của Cuộc Sống... qua Vật chất.
Nhưng cũng chúc mừng, một ai đó đi qua được phần này, tài khoản đã rỗng không vì được chuyển đi hết...
Khi thực sự không có gì, không còn gì với đôi tay rỗng không, thì mình sẽ bám víu vào đâu?
Sự chi phối giờ đã nhỏ nhất, rồi làm gì nữa?
Đây trở thành một điểm mấu chốt, mà tôi quan sát được sau gần 20 năm chia sẽ Lời Chúa cho nhiều người.
Sau khi "chuyển khoản", con người ta sẽ ít chọn để bám víu vào những "chuyện Thế tục" hơn, vì mình đã 'bán' rồi, đã 'phân phát' hết rồi. Thực sự không còn gì trong tay, giờ chả lẽ "hít thở không khí để sống", mình đã "giết chết bản ngã tự nhiên của ham muốn thể xác" rồi, giờ thì chuyển sang làm cái gì tiếp theo đây?, "chả lẽ ngồi không mà nói chuyện đời", và rồi mình chuyển sang một ham muốn mới, một ham muốn về đời sống tinh thần". Rồi những rao giảng về Đạo Đức và Tốt Lành bắt đầu, và một bài viết tôi rất chú ý về "Ngành công nghiệp Dạy Đời" (https://tuoitre.vn/nganh-cong-nghiep-dao-ly-gay-ton-hai-va-so-hai-20240122101548897.htm), khiến chúng ta nên nhìn nhận lại về cái gì thực sự là "đạo lý", dù nó bài viết chỉ phản ánh một phần của một nếp sống,
Nếu không "rao giảng về sự tốt lành", không khuynh hướng vào vật chất, thì mình nên thay thế bằng điều gì cho nếp sống của mình?
Sau khi "số dư còn lại bằng 0", thì đòi hỏi tiếp theo của Chúa là:
"rồi hãy đến theo Ta."
Rất nhiều nếp sống được đánh giá cao, được tôn sùng, nhiều rao giảng về Đạo đức... chỉ thiếu một điều quan trọng nhất, liệu mình "đang đi theo sau Ngài'...
Hay đang theo sau Lý Tưởng của một Nếp Sống do chính mình hay ai đó sáng tạo ra, chế biến thêm cho hợp thời đại. Và kêu gọi nhiều người hãy tiếp bước, lại tiếp tục dùng phương tiện hiệu quả nhất mọi thời đại là Nguyên tắc và Lễ Nghi. (Theo một cách mỉa mai của bài báo trên, thì kèm đằng sau đó là một link quảng cáo để giới thiệu cho bạn một sản phẩm gì đó...)
Chúng ta đã 'bán hết', 'đã chuyển khoản' và rao giảng về một Lý tưởng sống hay một Ý nghĩa cuộc đời do mình "Tự nhận thức" ra và hãnh diện trong nó, hàng trăm hàng triệu người theo dõi, và lan tỏa... càng nhiều sự xác nhận giống nhau, thì dần dà điều đó trở thành "Chân Lý" sống. Có thể dễ để nhận thấy điều này khắp nơi trên "cõi mạng", trong các nhóm, các câu lạc bộ, các học viện... Một vài hành động theo mình tin là đúng, phát triển thành một triết lý, và triết lý trở thành "Chân lý", trở thành cái bám víu của nhiều người. Và ở một mặt tiêu cực khác, khi không có chỗ nào để bám víu được thì "Chân lý mới" trở thành cái phao để mình "được" thao túng, vì nó tạo nên cho chính mình một ảo tưởng về tính Đạo đức và Ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Nhưng đòi hỏi của Chúa là rất rõ ràng, "rồi hãy đến theo Ta".

"Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha." (Giăng 14:6, VIE2010)

Một người Tin Chúa thì thật dễ, vì Tin mà "bán hết", "Trao Hết" có khi lại là Mù Quáng, nhưng thực sự "ĐẾN THEO TA" là điều sẽ xác nhận chính mình đang có một nếp sống Tin Kính.

"Nếu ai có tai để nghe, hãy nghe!”
(‭‭Mác 4:23 VIE2010‬‬)

**********
"...họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không." (Công vụ 17: 11, VIE2010)
Bạn hãy đảm bảo rằng bạn luôn đọc Kinh thánh của mình trước, dành thời gian để kiểm chứng dưới ánh sáng của Chân Lý, khi đọc tất cả những bài viết tại đây.
**********

Ghi chú:
(*) Foster, J. Richard, CELEBRATION OF DISCIPLINE: The Path to Spiritual Growth (SanFrancisco: HarperSanFrancisco, 1998)

Comments