Những Cách Chính để Kinh Nghiệm Sự Hiện Diện của Đức Chúa Trời

 

“Hãy cứ ở trong Ta thì Ta sẽ ở trong các con. Như cành nho, nếu không ở trong cây nho thì tự nó không thể ra quả được. Nếu các con không cứ ở trong Ta thì cũng như vậy. Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được. Nếu ai không cứ ở trong Ta thì giống như cành nho bị ném ra ngoài và bị héo, người ta nhặt lấy, ném vào lửa thì nó cháy. Nếu các con cứ ở trong Ta và lời Ta cứ ở trong các con, hãy cầu xin bất cứ điều gì mình muốn, các con sẽ nhận được điều đó. Bởi điều nầy Cha Ta được tôn vinh, ấy là các con kết quả nhiều và trở nên môn đồ Ta. (Giăng 15:4-8, VIE2010)

Đối với Cơ Đốc Nhân, một nếp sống Tâm linh hiện hữu ngay sau sự kết nối với Đức Chúa Jêsus, sau Kết nối, là hành động Duy trì Kết nối. Bởi sự Duy trì này, ‘thì Ta sẽ ở trong con’, và sự hiện diện này bắt đầu khi chúng ta, là những Cơ Đốc Nhân cũng bắt đầu bằng ‘Nếu các con cứ ở trong Ta’. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời qua tiếng phán của Ngài, và Kinh thánh đã làm chứng cho những điều đó, như đã làm chứng khi Ngài phán cho Môi-se “mặt đối mặt như một người nói chuyện với bạn mình” (Xuất Ai Cập 33:11, VIE2010)[1]. Sự hiện diện của Đức Chúa Jêsus Christ trong mối tương giao mật thiết của Ngài với Đức Chúa Cha, Chúa Giê-su làm gương cho chúng ta về thực tại của một đời sống lắng nghe và vâng phục. “Con không thể tự mình làm điều gì, nhưng chỉ làm điều Con thấy Cha làm; vì bất cứ điều gì Cha làm, Con cũng làm như vậy” (Giăng 5:19, VIE2010)[2]. Một điều quan trọng khác khi nói về sự hiện diện của Ngài, chính là Đức Thánh Linh trong lòng mỗi Cơ Đốc Nhân, là cách mà chúng ta có thể thấy, có thể nghe Lời phán qua Đấng An Ủi[3] được ban cho. Một “tiếng nói” là đại diện cho Đức Chúa Trời để dẫn dắt, để nuôi sống ‘cành nho’ đang ở trong Ngài và kết trái[4]. Những Bông trái trở thành phầm hạnh[5] trong đời sống của một người Trưởng thành. Chúng ta chỉ có thể nghe được khi đưa chính mình, đưa cái tôi trong lớp áo “Cơ Đốc Nhân” cho Ngài, ở một nơi vắng bóng “tiếng ồn, sự vội vã và những đám đông”[6], rồi nhanh chóng trả lời rằng: “Xin Chúa phán, vì đầy tớ Ngài đang nghe!” (1 Sa-mu-ên 3:10, VIE2010).

Duy trì được một lối sống ‘Ở trong Ngài’, và giữ được tấm lòng sẵn sàng mở để ‘Lời Ta ở trong con’ là những thói quen đảm bảo một ‘cành nho’ được sống và có kết quả. Hai điều này song song với nhau, vì có nhiều kiểu ‘ở trong Ngài’ nhưng Lời Ngài lại không thể phát triển trong chúng ta, hay ngược lại, một người đầy Lời Ngài nhưng không thực sự ‘ở trong Ngài’. Một thói quen của sự ‘nương tựa’ tâm linh vào Cha, như đứa trẻ luôn nhớ ‘vì Cha mình luôn nói vậy’ trong mọi trường hợp, và ‘Cha mình nói như thế này…’ trong tất cả các tình huống. Thói quen nương tựa vào Đức Chúa Trời, khi chúng ta luôn nhìn thấy sự hiện diện của Ngài trong mọi hơi thở của chính mình, với các câu hỏi cần luôn được đặt ra trong mọi hoàn cảnh:

·       Sự thật về điều này là gì? (Đức Chúa Trời đang nghĩ gì về điều này? Điều này dưới Ánh sáng của Ngài mình sẽ thấy gì)[7]

·       Đoạn Thánh Kinh nào sẽ hướng dẫn mình hành động trong điều này? Điều gì mình sẽ tiếp tục Vâng lời?[8]

·       Cầu Nguyện và Hành động theo “ý Cha được nên, chứ không theo ý Con!”[9]

**********
 "...họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không."  (Công vụ 17: 11, VIE2010)
Bạn hãy đảm bảo rằng bạn luôn đọc Kinh thánh của mình trước, dành thời gian để kiểm chứng dưới ánh sáng của Chân Lý, khi đọc tất cả những bài viết tại đây.

**********

Chú giải:

[1] Richard J. Foster, Phước Trong Kỷ Luật: Con Đường Dẫn Tới Sự Trưởng Thành Thuộc Linh [Celebration of Discipline: The Path to Spiritual Growth], trans. Hoàng Duy Tín (California: Union University of California, 2014), 52

[2] Richard J. Foster, Phước Trong Kỷ Luật, 70

[3] Giăng 14: 16, VIE2010

[4] Ga-la-ti 5:22-23, VIE2010

[5] Nguyễn Văn Tín, Xây Dựng và Phát Triển Phẩm Hạnh Thuộc Linh (California: Viện Thần Học Liên Hiệp Garden Grove, 2015), 41

[6] Richard J. Foster, Phước Trong Kỷ Luật, 67

[7] I Giăng 1:6-7, VIE2010

[8] Giăng 8: 31-32, VIE2010

[9] Lu-ca 22:42, VIE2010

Comments