GIẢI NGHĨA KINH THÁNH_NGƯỜI SA-MA-RI NHÂN LÀNH (Lu-ca 10)
Câu chuyện ẩn dụ nổi tiếng của Chúa, được trích dẫn nhiều và lấy làm minh họa cho một lựa chọn đạo đức, lựa chọn của tình yêu thương, và đây cũng là câu chuyện được minh hoạ cho những chủ đề không đúng trọng tâm của Phúc Âm Lu-ca 10.
Câu chuyện chỉ duy nhất được mô tả qua Lu-ca, và gây hiểu nhầm bởi những giải nghĩa hướng người nghe vào một việc làm tốt của tình yêu thương dành cho người lân cận.
Như cách mà mình thì say mê mô tả về một cái máy khoan, trong khi người thợ đang muốn nói tới việc cần khoan một cái lỗ đảm bảo để có thể treo được bức tranh ưng ý.
Việc mô tả về cái khoan là không sai, cần một cái khoan chất lượng là đúng, nhưng PHẢI CÓ loại này thì chúng ta mở ra một ý nghĩa rất khác với ý nghĩa thực sự của điều đang nói đến.
Việc giải nghĩa Kinh thánh, cũng là điều mà Chúa đã làm, và chính Ngài cũng đã "chỉnh" lại sự Giải nghĩa của các thầy dạy luật, khi đưa ra một ý nghĩa rất khác, rất xa với tấm lòng của Đức Chúa Trời.
Có hai sự trích dẫn cần lưu ý, khi Chúa muốn nói đến Kinh thánh Cựu Ước, Ngài sẽ nói:
"Có lời chép rằng"
"Các ngươi chưa đọc sao"
Khi nói đến sự Giải nghĩa Kinh thánh của các thầy dạy luật, Chúa sẽ nói:
"Các con đã nghe lời phán dạy"
Đây là cách mà người là tiếp nhận và truyền đi sự giải nghĩa từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua lối truyền miệng.
Và đây là điều chúng ta cần lưu ý, Ngài không bác bỏ Kinh thánh Cựu Ước (Ma-thi-ơ 5:17-18, VIE2010) nhưng Ngài chỉnh lại cho đúng Lối giải nghĩa không đúng đắn.
Điều này cho chúng ta câu hỏi rằng, Những câu trả lời trong cuộc sống của mình, đến từ việc 'CHÚNG TA ĐỌC' hay nhận ra điều này 'ĐƯỢC CHÉP RẰNG'?
Hay chỉ là tôi 'ĐƯỢC NGHE' ai đó đã nói như thế.
Các lời giảng đạo, lời phán, lời chia sẽ, hướng dẫn, tư vấn, dẫn dắt, huấn thị, huấn luyện, lời gợi ý, mời gọi, lời tuyên bố, tuyên xưng, thông báo... liệu có thực sự là những lời "Đã Được Chép"?
Một cô giáo đáng kính của tôi đã dặn dò tôi trong việc học lời Ngài, "hãy phản biện mọi lời trong tất cả cách sách mình đọc, chỉ vâng lời duy nhất những gì được viết ra trong quyển sách Thánh Kinh này mà thôi"
Đọc kỹ lại Lu-ca chương 10, đoạn này rõ ràng được Chúa ẩn dụ cho câu hỏi của một luật gia, đang cố gắng thể hiện mình là người công chính, khi hỏi thêm "Ai là người lân cận?" Câu hỏi này được nêu ra ngay sau câu trả lời được Chúa nhận xét là đúng của ông ta, khi ông này hỏi Ngài câu hỏi trước đó về điều quan trọng nhất "Làm gì để được sống đời đời?"
Trong mô tả của Lu-ca, ông này hỏi chỉ để thử Chúa Jêsus, chính xác nghĩa từ này là "Kiểm tra".
Ông ta 'Kiểm tra' cái gì?
Vì sao lại Kiểm tra?
Lý do có thể một trong hai, hoặc cả hai:
1. Liệu câu trả lời của Chúa có 'chống' lại luật của Đức Chúa Trời. (Luật Môi-se trong Cựu ước).
2. Muốn thể hiện mình công chính.
Chủ nghĩa Kinh luật, chú tâm vào Việc Làm, làm gì để được sống đời đời... phụ thuộc vào việc "Làm gì?" không phải bởi mối quan hệ.
Những người theo trường phái này thích "To Do List" (Danh sách những điều cần làm) hơn là "To Be List" (Danh Sách mình muốn Trở nên là ai).
Và Chúa đồng ý rằng, nếu thực sự Làm được những điều được ghi trong luật sẽ được sống đời đời,
Theo ý (được nhấn mạnh đến) và dòng chảy của đối thoại này, những người theo chủ nghĩa luật lệ đang tự hào về việc làm của mình, Chúa đẩy họ đến với sự triệt để nếu chọn Theo tiêu chuẩn "Việc làm" này họ sẽ được sống đời đời. Và có lẽ nếu làm được, thì chẳng cần có Chúa để làm gì, họ có thể tự cứu mình nếu trọn vẹn luật pháp. (Gia-cơ 2:10 VIE2010)
Có ai dám khẳng định mình yêu Chúa "hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí” và có ai khẳng định rằng mình "yêu người láng giềng như mình.” (Lu-ca 10:27, BPT)
Chúa đáp "Hãy làm" , câu này ở thì tiếp diễn, nghĩa là liên tục làm hai điều răn này cho đến khi mình lìa đời, mãi mãi cần phải yêu Chúa yêu người như hai tiêu chuẩn này, như vậy sẽ được cứu.
Những người tự tin với "luật lệ", Chúa đẩy họ đến với 'Luật lệ', Chúa không phản đối việc thực hành Luật, nhưng nếu chọn Luật lệ cho lối sống của mình, thì "phải làm cho nó tới".
Không cần phải tin Ngài, không cần phải lệ thuộc vào Ngài là con đường 'duy nhất', vẫn còn con đường thứ hai, đó là sống bằng "Luật lệ".
Sự kiêu ngạo tiếp tục, "Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ mình là công chính nên thưa với Đức Chúa Jêsus: “Ai là người lân cận tôi?” (Lu-ca 10:29 VIE2010)
Và nếu Chúa trả lời chính là người ngay kế bên mình, là hàng xóm, là người Do Thái thì có lẽ anh này đạt được "chuẩn" cho mệnh lệnh "Yêu người lân cận". Họ sẽ không bao giờ nghĩ rằng người lân cận mà họ nghĩ giống như Chúa nghĩ.
Và Ẩn dụ người Sa-ma-ri nhân lành, Chúa dùng để minh họa cho cách nghĩ về người "Lân cận" của ông này thật hạn hẹp.
Ẩn dụ này là định nghĩa cho nghĩa của từ "Người Lân Cận", vì ngay trong phần cuối của câu chuyện, Chúa xác nhận lại một lần nữa về Định Nghĩa "Ai là người Lân Cận"
...Là một người đang gặp nạn, và người giúp đỡ lại không phải là người hàng xóm Do thái kế bên nhà của ông ta. Nhưng là một người ông ta rất ghét,
Chúa dùng ẩn dụ, nhưng lại dùng một minh họa rất cụ thể, vì đây cũng là một thực tế đang hiện hữu trong bối cảnh văn hóa lúc này, không phải chỉ là một giả định.
“Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh đập rồi bỏ đi, để mặc người đó dở sống dở chết. (Lu-ca 10:30 VIE2010)
Ẩn dụ để khiến cho một người muốn sống theo "chuẩn luật lệ" về mệnh lệnh thứ hai, người Lân cận là ngay cả chính người mình ghét, người mình kỳ thị, người không bao giờ muốn chạm mặt, và sẵn sàng đối đầu... và Hãy yêu người này như chính mình, làm điều này đến hết cả cuộc đời, thì sẽ sống đời đời...
Chúa làm sáng tỏ, một người muốn sống theo "chuẩn luật", thì phải sống như vậy với định nghĩa mới này về "Người Lân Cận".
Vậy, việc mình dùng đoạn Thánh Kinh này để giảng dạy hay minh họa về Tình Yêu hay "Yêu Người Lân Cận" như là một điều Răn dạy và là điều PHẢI LÀM là đi ra khỏi bối cảnh đúng và trọng tâm chính của câu chuyện.
Câu chuyện hướng đến việc "Nếu Cần PHẢI LÀM gì để được sự sống đời đời, thì hãy làm điều đó Đúng nghĩa (Làm triệt để và luôn Tiếp diễn) với Đức Chúa Trời và với "Người Lân Cận" là Bất cứ người nào (kể cả người mình ghét, kỳ thị...) đang có nhu cầu, (và họ không thể đáp trả).
Câu chuyện cho chúng ta một ý nghĩa về "Sự Bất Lực" của một lối sống "Tự Công Chính" để đi tìm kiếm sự sống đời đời, nhưng không phải ai cũng thực sự đang nhận ra.
Lối sống 'Tự Cứu Mình' bằng con đường đi theo chủ nghĩa Kinh Luật, mà không cần đến Chúa.
Nếu ai có tai để nghe, hãy nghe!” (Mác 4:23, VIE2010)
Comments