Chúng ta đang rao giảng một Đức Chúa Trời nào? (Loạt bài về sự truyền giảng Phúc Âm)

 


Chúng ta đang truyền giảng một Phúc Âm nào? một Đức Chúa Trời nào?[1]

'Phao-lô, đầy tớ của Đấng Christ Jêsus, được kêu gọi làm sứ đồ và được biệt riêng cho Tin Lành của Đức Chúa Trời, Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do Thái, sau là người Hi Lạp. Vì trong Tin Lành nầy, sự công chính của Đức Chúa Trời được bày tỏ từ đức tin đến đức tin, như có lời chép: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin.” ' (Rô-ma 1:1,16-17, VIE2010)

Đức Chúa Trời là Tình Yêu (I Giăng 4:8), nhưng không đồng nghĩa với việc ‘bản tính’ này mô tả trọn vẹn về Đức Chúa Trời, chúng ta thật khiếm khuyết và sai lầm khi lấy một ‘yếu tố mà chúng ta thích’ rồi gán cho Ngài là chỉ là ‘tính cách đó’.

Đức Chúa Trời còn là Đức Chúa Trời của Sự Công Chính, của Nghiêm Minh, của Nhân Từ, Tốt lành… và bạn hãy tự tìm lấy những đoạn Thánh Kinh nói về Ngài, để có thể nhìn thấy Ngài một cách trọn vẹn.

Tôi là một kẻ Ích kỷ, không có nghĩa tôi chỉ là một kẻ ích kỷ, tôi còn là người tham lam, đồi trụy, kiêu ngạo, bẩn thỉu…. bấy nhiêu đó cũng không diễn tả hết về con người của tôi. Tôi có đầy đủ những tính cách này một cách ‘mãnh liệt’ chứ không phải chỉ là một cái nào mạnh hơn cái nào. Như vậy, để hiểu được một người, không thể chỉ dựa vào một ‘khía cạnh’, rồi cho rằng toàn bộ ‘tôi’ là con người như thể ấy. Một con voi to như cây cột đình cũng đúng, như cái quạt mo cũng đúng… nhưng rõ ràng là không đủ và rất lệch lạc nếu chỉ cho rằng một phần của con voi lại trở thành một định nghĩa về toàn bộ con voi. Tôi có đời sống cũ như vậy, nhưng bởi Ân Phúc Ngài đã thanh tẩy để tôi có một cơ hội sống khác, và Ngài cũng Nghiêm minh để đặt cho tôi những giới hạn để không rơi ngã, và Ngài cũng Công Chính để khiến tôi phải Kính sợ trong Ân Phúc đó… Như vậy Đức Chúa Trời của tôi vĩ đại và màu nhiệm hơn hết thảy mọi ‘định nghĩa’ của con người. Nên nếu chúng ta chỉ tin Đức Chúa Trời ở một khía cạnh, bởi vì chúng ta chỉ biết đến đó, hay khía cạnh đó khiến mình cảm thấy ổn, thấy thích hơn những yếu tố khác thì có lẽ, chúng ta đang xa rời mối quan hệ với Chúa của mình.

Khi được hỏi Đức Chúa Trời là ai? thì có lẽ ‘Tình yêu thương’ là điều được nói đến nhiều nhất, và các Lời hứa trong Kinh thánh liền được trích dẫn, mà quên mất Lời Hứa đó Ngài hứa với ai? có hiệu lực trong hoàn cảnh nào? còn hiệu lực ở thời điểm hiện tại? và tôi thấy nhiều có lẽ là Giê-rê-mi 29:11-13 trong truyền giáo, thật nghiêm trọng khi nghĩ rằng Chúa đang hứa với chúng ta những điều này mà quên mất ‘lời phán thực sự đang dành cho ai? trong hoàn cảnh này.”

“Chúa yêu bạn” là điều thứ hai mà nhiều lời truyền giáo cố gắng mang đến cho những người xung quanh chúng ta. Trong khi lời rao giảng đầu tiên của Chúa là:

“Các ngươi hãy ăn năn, vì vương quốc thiên đàng đã đến gần.” ' (Ma-thi-ơ 4:17, VIE2010)

Lời giảng của Giăng Báp-tít:

'“Hãy ăn năn, vì vương quốc thiên đàng đã đến gần!” '

(Ma-thi-ơ 3:2, VIE2010)

Lời giảng của Phao-lô:

“Vì trong Tin Lành nầy, sự công chính của Đức Chúa Trời được bày tỏ từ đức tin đến đức tin, như có lời chép: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin.” ' (Rô-ma 1:1,16-17, VIE2010)

Lời giảng của Phi-e-rơ:

'Nếu anh em xưng Ngài là Cha, Đấng không thiên vị và phán xét mỗi người theo công việc họ làm, thì hãy đem lòng kính sợ mà sống trong thời kỳ ở trọ nầy. ' (I Phi-e-rơ 1:17, VIE2010)

Lời giảng từ thư Hê-bơ-rơ:

'Cho nên, vì chúng ta nhận được một vương quốc không hề rúng động, chúng ta hãy biết ơn và lấy lòng kính sợ mà phục vụ Đức Chúa Trời một cách vui lòng Ngài; vì Đức Chúa Trời chúng ta là ngọn lửa thiêu đốt.' (Hê-bơ-rơ 12:28-29, VIE2010)

Khi Phao-lô nói chuyện với một nhóm các nhà triết học ngoại giáo tại A-rê-ô-ba, ông bắt đầu với chính Đức Chúa Trời. Bài giảng của Phao-lô trong Công vụ 17 thường được trích dẫn như là một mô hình để rao giảng tin lành cho một nền văn hóa ngoại giáo. Nhưng có một điều gì đó rất thú vị và bất thường trong bài giảng này. Hãy xem xét một cách cẩn thận và bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng Phao-lô không thực sự công bố tin lành về Đấng Christ, mà chỉ toàn thấy tin xấu! Ông bắt đầu: “Đấng quý vị thờ mà không biết đó, chính là Đấng tôi đang rao truyền cho quý vị đây.” Sau đó, ông giải thích cho họ từ câu 24 đến câu 28 rằng có một Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời này đã tạo nên thế giới và Ngài kêu gọi chúng ta thờ phượng Ngài. Sau khi đã nói rõ như vậy, ông chuyển sang câu 29 để giải thích khái niệm tội lỗi và gốc rễ của nó trong việc tôn thờ những vật thọ tạo thay vì chính Đức Chúa Trời, và ông tuyên bố rằng Đức Chúa Trời sẽ phán xét người nghe “bởi Người Ngài đã lập”, Người mà Ngài đã khiến sống lại từ cõi chết. (câu 31).” [2]. Đây là đoạn Thánh Kinh mà chúng ta quá nhấn mạnh vào sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, và quên mất đi lời dẫn của Phao-lô đến điều quan trọng:

“'Thế thì, Đức Chúa Trời đã bỏ qua các thời kỳ ngu dại đó; nhưng bây giờ, Ngài ra lệnh mọi người ở khắp mọi nơi phải ăn năn. Vì Ngài đã ấn định một ngày mà Ngài sẽ lấy sự công chính phán xét thế gian bởi Người Ngài đã lập. Và để xác chứng cho mọi người thấy, Ngài đã khiến Người sống lại từ cõi chết.” ' (Công vụ 17:30-31, VIE2010)

“Truyền Đạo [Chứng Đạo] là: “Thuyết Phục, Làm Cho Tin, Hoặc Khuyên Dỗ” (peitho). Từ liệu này có nghĩa là “cố gắng để thúc đẩy một người chấp nhận một hành động hay thái độ đặc biệt.” [3], chúng ta đang cố gắng để cho người ta tin vào điều gì? vào một Đức Chúa Trời nào?

Thánh Kinh dùng từ agapaó [4] để duy nhất diễn tả Tình Yêu của Đức Chúa Trời và kêu gọi những người Tin Chúa hãy yêu nhau thể ấy, để phân biệt với Tình yêu theo thời điểm đó như là Tình Yêu Anh em, Tình Yêu Thể Xác [Dục Vọng]… Khi chúng ta chỉ có mỗi một từ tiếng Việt [và ngay cả Tiếng Anh] để nói về Tình Yêu khiến cho việc con người đã hiểu không đúng và đầy đủ về mục đích của Đức Chúa Trời.

Khi rao giảng về Tình Yêu, tôi khi không hiểu, lại so sánh Tình Yêu ấy với Tình Yêu gia đình, tình bạn bè, và cả những cái nhìn méo mó về Tinh yêu lạm dụng, Tình yêu thao túng, Tình yêu bạo hành… và vô số định nghĩa khác, không có khác biệt nào giữa Tình yêu mà tôi biết với việc ‘Chúa yêu tôi’, chắc cũng vậy, không khác gì mấy. Hoặc tôi đang ở trong một Tình yêu thật đẹp rồi, nên ‘Tình yêu Chúa’ không mấy hấp dẫn. Tôi thấy điều này lặp lại trong gần 20 năm tiếp xúc, gặp gỡ và rao giảng cho nhiều người, với đủ lớp tri thức và đây là một điều rất đáng suy ngẫm.

Quả ớt thì sẽ cay, nếu ko thì đó là ớt Chuông Đà Lạt, Chúng ta mời một người ăn ớt, nhưng lại cho họ một loại ớt khác, chỉ giống nhau cái tên, nhưng vị hoàn toàn khác, vậy nên trong định nghĩa của người đó, thì vị của trái gọi là ớt đó chẳng hề có vị Cay cần có và đúng ý nghĩa. Mục đích là chúng là muốn họ thật dễ ăn, dễ nuốt, chúng ta có một Phúc Âm “tùy ý thích’ trong hoàn cảnh mà mình dễ gọi là phù hợp.

Những người sứ đồ đầu tiên không mang ‘văn hóa’ mới để giới thiệu với ‘văn hóa’ hiện hữu, nhưng giới thiệu một ‘Nước trời’ mà Chúa Jêsus chính là vua cai trị, một vương quốc không phải lập bởi thần dân hay dân có quyền để phế truất, nhưng chính Ngài sẽ là người ‘tuyển chọn’ những người sẽ sống trong đó. (Ma-thi-ơ 5:1-12). Vậy chúng ta đang xây điều gì trên đất, và giảng điều gì trên đất, và áp dụng như thế nào trên đất, trong khi có nhiều tranh luận trái chiều về ‘hội nhập văn hóa địa phương’, như một lập luận rằng Phúc Âm phải được sanh hạ trong một văn hóa đặc thù và do đó phải mang những đặc tính của nền văn hóa đó. Tại Do Thái Phúc Âm mang đặc tính văn hóa Do Thái; tại Kenya Phúc Âm mang đặc tính văn hóa Kenya; tại Việt Nam Phúc Âm mang đặc tính văn hóa Việt Nam.” [5], vậy thì chúng ta đang có bao nhiêu loại Phúc Âm cần được truyền giảng, một nỗ lực để làm ‘sống động’ Phúc Âm trong bối cảnh, mà một nỗ lực khác giữ chính xác Phúc Âm trong bối cảnh, vậy liệu chúng ta sẽ chọn điều nào trong sự giảng dạy cơ đốc. Tôi thích nghe một bản Thánh ca bằng đàn bầu, nhưng không thể ngừng nói rằng, “Chúa là Con đường [Thực ra trong ngữ pháp ngôn ngữ Thánh Kinh sẽ là Con đường duy nhất]’, một cách tự nhiên sẽ tạo nên một ‘sự đụng chạm’ đến những ‘con đường’ khác của ‘văn hóa’ đang hiện hữu.

'Trái lại, chúng tôi đã được Đức Chúa Trời thử nghiệm và ủy thác Tin Lành, nên chúng tôi cứ thế mà rao giảng, không phải để làm vừa lòng loài người, nhưng để làm vừa lòng Đức Chúa Trời là Đấng dò xét tấm lòng chúng tôi. ' (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:4, VIE2010)

Con người tìm kiếm Phúc Âm để vừa lòng nhu cầu của mình, và mong một Đức Chúa Trời cho mình sự đủ đầy đó. Người rao giảng, truyền bá một Đức Chúa Trời cung cấp ‘vô tội vạ’ trong bối cảnh thiếu hiểu biết về Ngài, để gây nên một sự ‘săn lùng trải nghiệm’ tâm linh thử xem điều đó có tốt không thì tôi theo, không thì tôi tìm chỗ khác, thật khác với thông điệp của Chúa rằng : 'Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều ấy nữa. ' (Ma-thi-ơ 6:33, VIE2010) rất rõ ràng về sự Công Chính và Nước Trời, và bối cảnh đoạn Thánh Kinh rất rõ ràng cho người đã tin Chúa, nên Chúa mới kiển trách sự thiếu Đức tin nên đầy “lo lắng mà tự hỏi: ‘Chúng ta sẽ ăn gì?’ ‘Uống gì?’ ‘Mặc gì?’ Vì tất cả những điều nầy các dân ngoại vẫn tìm kiếm, và Cha các con ở trên trời đã biết mọi nhu cầu của các con. ' (Ma-thi-ơ 6:31-32, VIE2010). Đây hoàn toàn không phải là một lời hứa cho người chưa tin nhằm kích thích họ tìm kiếm Chúa.

Vậy Đức Chúa Trời nào chúng ta đang rao giảng?

 (Xem tiếp phần sau)

(Hãy theo dõi trên akoḗ hoặc MEDIATING ON SCRIPTURE để được cập nhật các học hỏi, và chia sẽ rộng rãi nếu bạn thấy điều này là ích lợi)


Nếu ai có tai để nghe, hãy nghe!” (Mác 4:23, VIE2010)


**********
"...họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không." (Công vụ 17: 11, VIE2010)
Bạn hãy đảm bảo rằng bạn luôn đọc Kinh thánh của mình trước, dành thời gian để kiểm chứng dưới ánh sáng của Chân Lý, khi đọc tất cả những bài viết tại đây.

**********



[1] The True God and The True Gospel, Mp4 (England: David Pawson Publishing, n.d.), accessed May 8, 2024, https://www.davidpawson.co.uk/search/?owh_search_ext=true+God+true+Gospel. (Lưu ý: Phần tiếng Việt do người viết nghiên cứu này)

[2] Greg Gilbert, Tin Lành Là Gì?, trans. Phục Sinh and David Tô (Biên Hòa: NXB Đồng Nai, 2010), 36.

[3] Viện Thần Học Việt Nam, Chứng Đạo (Evangelism) (Garden Grove, California: Union University of California, 2004), 16.

[4] Strong’s Concordance, “25. Agapaó [to Love/ Tình Yêu],” Bible Hub: Search, Read, Study the Bible in Many Languages, n.d., accessed May 7, 2024, https://biblehub.com/greek/25.htm.

[5] Trương Văn Thiên Tư, “Hướng Đến Một Thần Học Hội Nhập Cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam” (Union University of California, 2002), 22.



Comments